Trong quá trình build một chiếc PC để chơi game hoặc làm đồ hoạ, bạn đang rất quan tâm đến bộ phận có giá đắt nhất nhì trong chiếc PC của bạn – Card đồ họa/ Card màn hình. Vậy, “Card đồ họa là gì?”, “Card màn hình là gì?”, “Cách để chọn Card màn hình phù hợp ra sao?” , hãy cùng Trang thủ thuật tìm hiểu trong bài viết này nhé!
Tìm hiểu về Card đồ họa/ Card màn hình
Card đồ họa/ Card màn hình là gì?
Graphics Card (VGA) tạm dịch ra là Card đồ họa hoặc Card màn hình. Đây là một loại thiết bị/ bộ phận quan trọng trong một chiếc máy tính với chức năng xử lý các thông tin về hình ảnh, màu sắc, độ phân giải và rất nhiều yếu tố khác liên quan đến đồ hoạ sau đó xuất lên màn hình. Và Card màn hình là một trong những bộ phận có mức giá đắt nhất trong chiếc máy tính của bạn.
Trong ảnh là một chiếc Card màn hình rời NVIDIA GeForce RTX 3080 cho laptop – Card màn hình mạnh nhất cho Laptop, với mức giá chỉ từ 20 triệu đồng cho riêng chiếc Card màn hình. Nếu là phiên bản dành cho PC, mức giá trung bình của NVIDIA GeForce RTX 3080 là hơn 30 triệu đồng.
Trong một chiếc Card màn hình, bộ phận quan trọng nhất chính là GPU – Graphic Processing Unit (tạm dịch: bộ xử lý đồ hoạ). Bộ phận này sẽ chịu trách nhiệm để xử lý mọi vấn đề liên quan đến đồ hoạ/ hình ảnh của máy tính.
Một cách thực tế, hình ảnh có mượt hay không, chất lượng hình ảnh có cao hay không, tốc độ xuất hình ảnh có cao hay không chính là nhờ vào bộ phận Card màn hình này.
CPU và GPU có phải là một hay không?
GPU khác với CPU bạn nhé!
Sự khác biệt lớn nhất giữa CPU và GPU là: CPU có chức năng chính là điều khiển máy tính, trong khi đó GPU tập trung vào việc tăng tốc xử lý lượng dữ liệu khổng lồ trong cùng lúc. GPU có xung nhịp càng cao, khả năng phân tích hình ảnh càng tốt.
Card đồ họa/ Card màn hình có bao nhiêu loại?
Chúng ta có 2 loại Card màn hình chính bao gồm: Card màn hình tích hợp/Card màn hình onboard và Card màn hình rời. Với mỗi loại sẽ có ưu điểm và nhược điểm khác nhau cùng với đó là nhiều nhà cung cấp khác nhau. Chúng ta đi sâu vào tìm hiểu từng loại nhé!
Card màn hình onboard là gì? Card màn hình tích hợp là gì?
Card màn hình onboard (VGA share) là Card màn hình được tích hợp sẵn trên bo mạch chủ của máy tính, cụ thể là tích hợp thẳng vào CPU của máy tính và chia sẻ sức mạnh của CPU cùng RAM để hoạt động. Chính việc này khiến nhiều người lầm tưởng CPU và GPU là một.
Bạn sẽ thấy Card màn hình onboard thường xuất hiện trên các máy tính, laptop phổ thông. Đó là vì, chúng có giá thành sản xuất rẻ hơn Card màn hình rời.
Hiện tại, Intel là nhà sản xuất Card màn hình onboard chiếm phần lớn thị phần trên thế giới.
Ưu điểm của Card màn hình onboard
- Có giá thành rẻ hơn Card màn hình rời, phù hợp với đại đa số người dùng
- Ít khi xung đột về phần cứng
- Tối ưu hoá cho mainboard
Nhược điểm của Card màn hình onboard
- Gây hao tổn tài nguyên khi chia sẻ sức mạnh với GPU và RAM khiến máy tính đôi khi rơi vào tình trạng giật lag khi thiếu ram dẫn đến bị nóng. Vì thế, RAM 4GB trở lên trong thời điểm hiện tại là rất cần thiết để bạn sử dụng tác vụ thông thường nhé!
- Do phải chia sẻ sức mạnh với CPU. Vì thế, Card màn hình onboard không có khả năng hỗ trợ thực hiện những tác vụ đồ họa nặng, game với cấu hình cao,…
Card màn hình rời là gì?
Card màn hình rời là Card màn hình có chức năng tương tự như Card màn hình onboard. Tuy nhiên, Card màn hình rời được thiết kế riêng một cách độc lập nhằm tối ưu hoá các tác vụ về xử lý đồ hoạ.
Hiện tại, nhà sản xuất Card màn hình rời nổi tiếng nhất và có thị phần lớn nhất tại Việt Nam là NVIDIA. Nếu là một game thủ, chắc bạn sẽ nghe giọng đọc quen thuộc “N-VI-DI-A” khi vào game đúng không nào (ví dụ như: GTA San Andreas – một trong những phần game hay nhất của GTA)!
Ưu điểm của Card màn hình rời
- Tối ưu hoá cho các tác vụ đồ hoạ
- Khả năng xử lý các phần mềm, ứng dụng đồ họa chuyên nghiệp một cách mượt mà
- Sử dụng khe cắm riêng
- Không cần chia sẻ cùng RAM, vRAM (RAM ảo) với hệ thống chung.
Nhược điểm của Card màn hình rời
- Có mức giá đắt hơn so với Card màn hình onboard
- Chiếm diện tích hơn, khiến laptop trở nên dày hơn
- Cần phải lưu tâm về sự tản nhiệt của Card màn hình rời nếu bạn không muốn máy của mình quá nóng.
Cách để chọn Card đồ họa/ Card màn hình phù hợp
Rất đơn giản để chọn card màn hình phù hợp với bạn, chỉ cần đánh giá trên 2 yếu tố:
- Mục đích sử dụng
- Ngân sách của bạn
Trong phần này, chúng ta sẽ tập trung phân tích Card màn hình rời và Card màn hình rời của hãng NVIDIA nhé!
Vì nếu bạn chỉ sử dụng những tác vụ thông thường như văn phòng, xem phim HD, đọc báo,… Card màn hình onboard sẽ đủ để bạn sử dụng. Chỉ khi muốn tìm kiếm Card màn hình rời nhằm mục đích nâng cấp máy tính, bạn mới tìm kiếm bài viết này.
Mục đích sử dụng
Đại đa số người tìm kiếm Card màn hình rời với 2 mục đích sử dụng chính bao gồm:
- Hỗ trợ tối ưu hoá cho việc chơi game: những dòng Card NVIDIA GeForce như GTX, RTX sẽ phù hợp với bạn.
- Các game có yêu cầu đồ hoạ trung bình: GTX 1650, RTX 3050,… có thể đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng của bạn.
- Các game có yêu cầu đồ hoạ cao, cực cao: RTX 3060 hay những dòng siêu cao cấp như RTX 3080, RTX 3090 sẽ phù hợp với bạn.
- Hỗ trợ cho công việc đồ hoạ: những dòng Card như Quadro của NVIDIA hoặc dòng FirePro của AMD sẽ phục vụ rất tốt cho công việc đồ hoạ, render hình ảnh, 3D, video của bạn.
- Ngoài ra, NVIDIA Titan là dòng Card cao cấp với mức giá lên đến cả trăm triệu đồng được sử dụng chủ yếu cho các nhà sáng tạo, các nhà nghiên cứu chuyên sâu để tái tạo vật thể trong môi trường 3D.
Ngân sách của bạn
Đối với những bạn sinh viên học thiết kế đồ hoạ hoặc những bạn có ngân sách hạn hẹp, đôi khi, việc chọn một Card màn hình rời sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào yếu tố ngân sách này.
So sánh về mức giá, chúng ta cũng có thể thấy được như sau: dòng NVIDIA GeForce sẽ có mức giá mềm hơn NVIDIA Quadro nhưng cũng có thể đảm bảo các khả năng đồ họa không kém cạnh. Vì thế, với một “hầu bao” hạn hẹp, bạn cũng có thể chọn những dòng Card màn hình cho mục đích gaming để “học tập”, học tập và làm việc nhé :))
Sau một “hành trình dài đầy chông gai” và nhiều lựa chọn khác nhau, có thể bạn vẫn chưa chọn cho mình được một chiếc Card đồ hoạ ưng ý đúng không nào? Điều này đôi khi cũng không quá khó hiểu. Nhưng không sao, bạn cứ dựa vào yếu tố mục đích sử dụng hoặc dựa theo ngân sách nếu điều kiện không cho phép để quyết định nhé!